Không ít người từng trải qua cảm giác ngồi xuống đứng lên bị chóng mặt hoa mắt mà không rõ nguyên nhân. Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Chắc ai cũng từng trải qua chuyện đứng lên, ngồi dậy bất thình lình bị tối tăm mày mặt, thế giới quay cuồng. Thường là sau khi nằm lâu, ngồi lâu, nhất là sau cơn bạo bệnh, cảm cúm nặng, hay khi đói quá! Nếu thỉnh thoảng xảy ra thì không có vấn đề lắm, còn như xảy ra thường xuyên thì cần đi khám bệnh để tìm ra nguyên nhân.
Trong y khoa chúng ta thường chẩn đoán là do tụt huyết áp khi chuyển qua tư thế đứng (orthostatic hypotension). Khi chuyển qua tư thế đứng, máu bị dồn xuống phần dưới cơ thể, làm áp lực máu phần trên cơ thể giảm, nhất là không đủ đến não, đưa đến hiện tượng trên. Thường thì cơ thể ta tự điều chỉnh ngay được để đưa máu lên não. Các nguyên nhân làm cho máu chậm lên não là do nằm lâu (như đã nói ở trên), thiếu nước, bệnh thiếu máu, các bệnh tim, thận, đái tháo đường, tuyến nội tiết, và do dùng một số thuốc.
Nhưng khị đứng lên bị choáng váng không chỉ do tụt huyết áp, mà có thể do nhịp tim tăng bất thình lình nữa, trong y khoa gọi là hội chứng nhịp tim nhanh khi đổi qua tư thế đứng (POTS=postural orthostatic tachycardia syndrome). Có thể có cả hai (tụt huyết áp và nhịp tim nhanh) hay chỉ cần có 1 trong 2. Vì sao nhịp tim nhanh lại làm ta choáng váng? Đó cũng là vì sự thay đổi nhanh chóng việc tưới máu lên não. Nguyên nhân cũng tương tự như trường hợp tụt huyết áp, nhất là sau nhiễm virus (đại dịch Covid vừa qua) và các bệnh tự miễn. Ngoài việc nhịp tim nhanh khi đổi tư thế, người bệnh thường hay mệt và khó ngủ.
Trong khi điều trị có thể khá phức tạp, tiêu chuẩn chẩn đoán 2 hội chứng trên rất đơn giản:
- orthostatic hypotension: huyết áp tâm thu giảm 20 mmHg, tâm trương giảm 10 mmHg trong vòng 3 phút khi đứng lên.
- orthostatic tachycardia: mạch tăng lên bằng hoặc hơn 30 nhịp/phút trong vòng 10 phút. Người có hội chứng nầy nhịp tim có thể lên tới 120/phút.
Đối với người thường xuyên bị nhịp tim nhanh khi đứng lên, nhất là di chứng sau nhiễm Covid, ngoài việc khuyên họ uống nhiều nước, ăn mặn thêm một ít, vận động nhẹ nhàng trong tư thế ngồi hay nằm, và mang băng ép chân.
Nhiều khi họ không thể uống nhiều nước và ăn mặn (như mắc bệnh tim thận chẳng hạn) hay rất khó chịu khi mang băng ép chân thì biện pháp cuối cùng là thuốc. Theo GS Pam Taub, UCSD ở California, có thể dùng thuốc làm chậm nhịp beta-blockers nhưng thích hợp lắm vì chúng làm hạ huyết áp và gây mệt. Do đó có khi phải kết hợp thuốc làm chậm nhịp tim với thuốc làm tăng huyết áp như midodrine, fludrocortisone hay droxidopa (phức tạp quá!). Hiện nay trên thị trường có thuốc ivabradine làm giảm nhịp tim nhưng hạ huyết áp rất ít (bài nầy chắc quảng cáo cho thuốc nầy).
Tài liệu tham khảo: Medscape: POTS: Tips for Diagnosis and Treatment (FB không cho mình post link). Hình thì dịch và bổ sung hình trên mạng, credit: Paddy Kalish.
Leave a Reply